Chinh chiến Mã Đằng

Tòng quân và thăng tiến

Cuộc đời chinh chiến của ông bắt đầu khi ông còn trẻ. Cuối thời Hán Linh Đế, vùng Lương Châu có biến loạn. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc Thứ sử Lương châu là Cảnh Bỉ sử dụng thuộc hạ của mình để cai trị trong vùng, nhưng người này lại là "kẻ gian hoạt" nên đã gây bất bình trong dân chúng. Người dân trong vùng này đã kết hợp cùng các tộc người Đê, Khương đứng lên nổi dậy chống lại chính sách của địa phương.

Chính quyền vùng Lương Châu lập tức chiêu mộ những thanh niên mạnh khoẻ xung vào quân ngũ, để đánh dẹp loạn. Lúc đó, Mã Đằng ra ứng mộ tình nguuyện tham gia quân đội. Nhà tuyển trạch thấy Đằng khác thường, cho làm Tòng sự, để cai quản binh lính.

Trong những cuộc dẹp loạn, Mã Đằng đã lập được công lớn vì vậy Mã Đằng được thăng từ Tòng sự lên làm Quân Tư mã dưới trướng của Cảnh Bỉ. Sau đó chính quyền xem xét công lại thấy chưa xứng đáng nên mới đổi làm Thiên tướng quân, sau đó tiếp tục thăng chức lên Chinh Tây tướng quân, thường đóng quân ở khoảng Thiên, Lũng[3] và đến giữa niên hiệu Sơ Bình, được bái làm Chinh Đông tướng quân.[1]

Xây dựng lực lượng

Trong thời gian Mã Đằng được thăng tiến, ông cũng đã bắt đầu tập hợp lực lượng, xây dựng cơ nghiệp riêng cho mình. Ông đã ý thực được việc phụ thuộc vào chính quyền nhà Hán sẽ gây cho mình gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng cơ nghiệp.

Thời gian Mã Đằng là Chinh Tây tướng quân, bấy giờ, ở Tây châu thiếu thốn lương thực trầm trọng, Mã Đằng dâng biểu báo cáo tình hình binh lương rất thiếu thốn đồng thời xin lấy lương thảo ở Trì Dương, rồi chuyển đến đóng binh ở bờ đê phía đầu thành Trường Bình.

Tướng quân Vương Thừa đang đóng quân ở đây lo sợ sự hiện diện của lực lượng quân đội của Mã Đằng sẽ uy hiếp trực tiếp đến bản thân ông ta nên đã bất ngờ tấn công doanh luỹ của Mã Đằng. Khi đó, Mã Đằng vì bất ngờ nên không phòng bị, chính vì thế thua trận và phải bỏ chạy về phía tây.

Rút kinh nghiệm từ thất bại đó, ông đã tập hợp lực lượng tại chỗ ở xứ Tam Phụ[4] để khởi sự, đóng trú cát cứ, "không phục tùng phương Đông[5] nữa". Không những vậy, ông còn kết nghĩa anh em với Thái thú Tây Kinh là Trấn Tây tướng quân Hàn Toại ở vùng này để tạo thế liên minh, tăng cường lực lượng.

Khởi sự và xâm nhập Trường An

Tướng Tây Lương là Hàn Toại và Biện Chương khởi binh ở Tây châu, cát cứ chống lại triều đình. Năm 186, Hàn Toại mang vài chục vạn quân đánh quận Lũng Tây, thu hàng thái thú Lý Tương Như rồi cùng nhau đánh giết Cảnh Bỉ. Cảnh Bỉ chết, Mã Đằng thiết lập liên minh với Hàn Toại.[6]

Có Mã Đằng tham gia, lực lượng Hàn Toại càng mạnh. Năm 188, ông cùng Hàn Toại mang quân bao vây Trần Thương.[7] Hán Linh Đế sai Hoàng Phủ TungĐổng Trác huy động rất nhiều quân đến mới giải vây được. Mã Đằng và Hàn Toại rút quân về.

Năm 189, Hán Linh Đế chết, Hán Thiếu Đế lên thay. Thái thú Tây Lương là Đổng Trác được Hà Tiến triệu vào Lạc Dương dẹp hoạn quan, nhân Hà Tiến chết đã trở thành người thao túng nhà Hán.

Mã Đằng và Hàn Toại ở Lương châu bất bình với Đổng Trác bèn khởi binh chống lại. Lưu Yên làm Châu mục Ích châu ở Tây Xuyên có ý định ly khai triều đình, bèn hưởng ứng với Mã Đằng. Tam Quốc chí cho biết: "Hàn Toại và Mã Đằng khởi loạn ở Quan Trung mấy lần cùng cha Chương là Yên trao đổi tin tức qua lại".[8] Lưu Yên nhân đó ngầm sai người vào Trường An sai con là Lưu Đản và Lưu Phạm làm nội ứng. Việc bị lộ, Đổng Trác bèn giết chết Lưu Đảng và Lưu Phạm rồi mang quân ra đối địch, đánh tan liên quân Ích – Lương của Mã Đằng và Lưu Yên.[9]

Sau thất bại đó, Lưu Yên cố thủ ở Tây Xuyên, Mã Đằng theo lời dụ của Đổng Trác, quy phục nhà Hán, nhận lời cùng đánh các chư hầu Sơn Đông.[10]

Tam Quốc chí cho biết:[11] "Khi ấy Chinh Tây tướng quân Mã Đằng làm phản đóng binh ở Mi huyện, Yên phái Phạm cùng với Đằng kết mưu, dẫn binh tập kích Trường An. Mưu của Phạm bị tiết lộ, Phạm vội chạy về Hoè Lý, Đằng bại trận, phải lui về Lương Châu, Phạm bị giết tức thì, Trác lại bắt Đản đem hành hình.

Tam Quốc chí cũng dẫn lại ghi chép của Anh hùng ký: "Phạm từ Trường An trốn đến doanh trại của Mã Đằng, lại tới chỗ Yên xin binh. Yên phái Hiệu uý Tôn Triệu dẫn binh đến trợ giúp, bị đánh bại ở Trường An".

Đổng Trác bị các chư hầu do Viên Thiệu cầm đầu đánh tới Lạc Dương, thua chạy về Trường An. Năm 192, Mã Đằng cùng Hàn Toại khởi hành mang quân vào Trường An theo họ Đổng, thì Đổng Trác đã bị Lã Bố giết chết. Bộ tướng của Trác là Lý Thôi đánh đuổi Lã Bố, chiếm Trường An, giữ Hán Hiến Đế, phong cho Mã Đằng làm Chinh tây tướng quân sai giữ huyện Mi, Hàn Toại làm Trấn tây tướng quân sai giữ Kim Thành.

Sau đó Mã Đằng và Hàn Toại lại bất bình với Lý Thôi, mang quân tập kích Trường An nhưng bị Lý Thôi đánh bại, phải rút về Lương châu. Tam Quốc chí chép: "Sau Đằng đánh úp Trường An, bị thua trận phải trốn chạy, lui binh về giữ Lương Châu".

Xung đột với Hàn Toại

Khi cát cứ ở Lương Châu, Mã Đằng và Hàn Toại ban đầu rất thân thiết, sau lại cho bộ khúc thâm nhập đất của nhau, đổi thành thù địch. Mã Đằng đánh Hàn Toại, Hàn Toại bỏ chạy, sau đó lại họp binh quay lại đánh Mã Đằng, giết vợ con Mã Đằng, liên quân không hoà giải nổi.

Lý Thôi và Quách Dĩ thất bại, Hán Hiến Đế lọt vào tay Tào Tháo, được Tào Tháo đưa về Hứa Xương. Tào Tháo sai Tư lệ hiệu úy Chung Do và Lương châu mục Vi Đoan đến hòa giải hai bên, Chung Do viết thư cho ông và Hàn Toại, trình bày lợi hại, khuyên nên quy phục triều đình. Mã Đằng và Hàn Toại nghe theo và do có mọi người khuyên can, cả hai người lại giảng hòa như cũ.[1][12]

Mã Đằng được trưng tập về đóng binh ở Hoè Lý, đổi làm Tiền tướng quân, ban cho giả tiết, phong tước Hoè Lý hầu. Vùng đóng quân của Mã Đằng phía Bắc có rợ Hồ, phía Đông có quân Bạch kỵ, nhân lực dồi dào, Mã Đằng thực hiện chính sách vỗ về các dân tộc thiểu số để tập hợp lực lượng, nâng cao uy thế, cũng cố địa vị của mình "đãi kẻ sỹ tiến người hiền, xót thương cứu giúp dân chúng, đất Tam Phụ được yên ổn nên rất ái mộ Đằng".

Để đền đáp ơn của triều đình, Mã Đằng sai con cả là Mã Siêu cùng bộ tướng Bàng Đức theo Chung Do đến Bình Dương cùng đánh lực lượng nổi dậy của Quách Viện và Cao Can, giành được thắng lợi vang dội.[1][13]